Để có được hòa bình, độc lập, tự do như ngày hôm nay, đã có không biết bao nhiêu những người lính đã ngã xuống. Sự hy sinh, lòng quyết tâm để giành được độc lập tự do, thống nhất đất nước đã trở thành những bản anh hùng ca không thể nào quên. Hình ảnh 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc và những người anh hùng nằm tại tuyến lửa đã hơn 50 năm trôi qua nhưng những ký ức ấy vẫn vẹn nguyên trong lòng người dân.
10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc họ là ai?
10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh. Họ là những cô gái còn rất trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Tiểu đội trưởng là chị Võ Thị Tần. Nơi họ thực hiện nhiệm vụ là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc. Nhiệm vụ chính là san lấp bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Tiểu đội thường hoạt động về đêm để lấp những hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày.
Ngày 24/7/1968, tiểu đội nhận nhiệm vụ san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom, sửa chữa đường và hầm trú ẩn trong sâu rãnh thoát nước để thông đường cho xe qua. Trong lúc họ đang làm nhiệm vụ hăng say thì một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc hướng vào Nam tiến lến. Các cô gái nhanh chóng nằm rạp xuống đường rồi sau đó lại chồm dậy làm việc.
Vào lúc 16h30, đã là trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, các cô gái đang tránh bom trong hầm. Bỗng nhiên một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm. Các tiểu đội thanh niên xung phong phía sau và người dân xóm Bãi Dĩa hoảng hốt, lao ra gào thét từng người nhưng không một ai trả lời. Tất cả chỉ còn lại một hố bom sâu, vài cái xẻng, cuốc. 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Họ đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, đây là độ tuổi đẹp nhất của đời người. Họ hăng hái xung phong vào chiến dịch nhưng chiến tranh đã khiến họ vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
Tiểu đội gồm 10 cô gái trẻ, tên tuổi của họ đã trở thành bất tử.
- Nguyễn Thị Nhỏ (19 tuổi) vị trí chiến sĩ.
- Trần Thị Rạng (19 tuổi) vị trí chiến sĩ.
- Võ Thị Hợi (20 tuổi) vị trí chiến sĩ.
- Hồ Thị Cúc (21 tuổi) vị trí tiểu đội phó.
- Dương Thị Xuân (19 tuổi) vị trí chiến sĩ.
- Võ thị Tần (22 tuổi) vị trí tiểu đội trưởng.
- Hà Thị Xanh (18 tuổi) vị trí chiến sĩ.
- Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi) vị trí chiến sĩ.
- Võ Thị Hạ (19 tuổi) vị trí chiến sĩ.
- Trần Thị Hường (17 tuổi) vị trí chiến sĩ.
10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc có nhiệm vụ gì?
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, nằm trên tuyến đường Trường Sơn. Với địa hình đặc biệt, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường với mặt đường lõm như một lòng máng. Vì vậy khi bom địch thả xuống sẽ làm đất đá lăn xuống, cản trở giao thông. Trong khi đó, vị trí này được xem như tuyến đường huyết mạch của đất nước. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều bắt buộc đi qua ngã ba Đồng Lộc. Các đoàn xe khi qua được ngã ba sẽ phân tán toả ra đi nhiều tuyến đường khác nhau để vào Nam.
Vì sự hiểm yếu và quan trọng này mà ngã ba Đồng Lộc đã trở thành vị trí chiến lược, nơi đấu trí và đấu lực giữa ta và địch. Địch có dã tâm phá hỏng nơi đây để cắt đứt chi viện cho miền Nam từ hậu phương miền Bắc. Trong vòng 7 tháng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá điên cuồng ngã ba Đồng Lộc tới 1.863 lần, thả xuống gần 48.600 quả bom. Có thể ước tính mỗi mét vuông tại đây đã phải chịu ít nhất 3 quả bom.
Trong khói lửa đạn bom ác liệt, nhiều hiểm nguy nhưng có đến 16.000 người vẫn xung phong tham gia vào chiến dịch tại đây với sự quyết tâm và lòng kiên trì, chiến đấu dũng cảm. Trong đó phải kể đến tiểu đội 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc. Nhiệm vụ của các cô gái là thông đường cho xe đi, san lấp bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Công việc của họ rất nguy hiểm nhưng họ vẫn vui vẻ, làm việc hăng say, họ luôn giữ tinh thần lạc quan để vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Các cô gái trước đó đã bị vùi lấp 3 lần nhưng đều rũ đất đá để đứng dậy và tiếp tục hoàn thành công việc. Tuy nhiên, lần này các chị đã vĩnh viễn nằm lại như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống.
Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt tại chiến trường Đồng Lộc. Cũng như góp phần cho thắng lợi chung của cả dân tộc trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các chị mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. 10 cô gái – 10 liệt sỹ hy sinh tại chiến trường ngã ba Đồng Lộc đã được Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và được xây dựng thành địa chỉ du lịch tâm linh, nơi giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho nhân dân, cho thế hệ trẻ.