Bệnh Whitmore vi khuẩn ăn thịt người là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khó phát hiện và có tỷ lệ tử vong rất cao. Để hiểu rõ hơn về loại bệnh này cũng như nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có những kiến thức phòng bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn.
Mục Lục
Bệnh Whitmore vi khuẩn ăn thịt người là bệnh gì?
Bệnh Whitmore vi khuẩn ăn thịt người do một loại vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh được bác sĩ Alfred Whitmore mô tả tại Miến Điện năm 1912, từ đó lấy tên là Whitmore. Vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm cho người bệnh viêm phổi, nhiễm trùng máu, suy nội tạng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Loại vi khuẩn này có thể kháng lại nhiều loại kháng sinh thông thường.
Người bị bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong cao từ 40 đến 60%. Một số trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Sở dĩ bệnh được gọi là bệnh ăn thịt người vì vi khuẩn xâm nhập có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, làm áp xe hay viêm loét trên da…
Dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore
Dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore đầu tiên là sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, viêm mang tai, đau khớp, đau đầu và co giật. Bệnh Whitmore có thể xâm nhập đến nhiều vị trí khác nhau, vì vậy sẽ có các triệu chứng khác nhau, cụ thể:
- Nhiễm trùng phổi: người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, khó thở, đau cơ.
- Nhiễm trùng cục bộ: các dấu hiệu thường thấy như đau hoặc sưng tuyến mang tai, rất giống với bệnh quai bị.
- Nhiễm trùng trên da: các vết thương trên da bị đau, sưng, loét hoặc áp xe kèm theo với sốt và đau cơ.
- Nhiễm trùng máu: tác động của nhiễm trùng máu sẽ có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, khó thở, đau họng, đau bụng trên, tiêu chảy, đau cơ, loét da có mủ…
- Nhiễm trùng lan toả: sụt cân, đau đầu, co giật, đau ngực, đau cơ, đau khớp cùng với xuất hiện các vết loét trên cơ thể.
Nguyên nhân gây ra bệnh Whitmore vi khuẩn ăn thịt người
Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh Whitmore gồm:
- Người bệnh hít phải bụi bẩn hoặc nước mưa có chứa vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore.
- Người bệnh có vết thương hở, vết trầy xước trên da và tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hoá chất, chất thải độc hại tại các ao hồ, đồng ruộng, đầm lầy…
Bệnh rất ít khi lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà chủ yếu là từ môi trường vào gây bệnh cho người. Tuy nhiên, nếu sử dụng chung kim tiêm hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh Whitmore thì cũng có thể lây bệnh. Chúng ta cũng cần chú ý đến một số động vật như chó, mèo, dê, cừu, ngựa… cũng có thể là nguồn lây bệnh.
Biện pháp phòng bệnh Whitmore vi khuẩn ăn thịt người
Bệnh Whitmore chủ yếu lây từ nguồn đất và nước bẩn có chứa vi khuẩn, vì vậy để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ lây bệnh, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với đất, nước bẩn ứ đọng lâu ngày đặc biệt là những nơi ô nhiễm nặng. Không tắm gội, ngụp lặn ở các ao hồ, sông, suối ô nhiễm hoặc gần nơi bị ô nhiễm.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động như giày, ủng, găng tay… khi làm việc ở những nơi tiếp xúc với đất, nước bẩn để tránh nhiễm trùng qua chân tay.
- Khi có vết thương hở, vết loét không nên tiếp xúc với nguồn nước, đất bị ô nhiễm. Trong trường hợp cần thiết thì phải có băng gạc chống thấm để đảm bảo cho vết thương.
- Ăn thực phẩm nấu chín và uống nước đun sôi để nguội để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không giết mổ và ăn thịt gia súc, gia cầm bị bệnh chết.
- Khi có các dấu hiệu bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển nặng.
- Với nhân viên y tế và bác sĩ điều trị khi tiếp xúc với người bệnh cần được bảo hộ đầy đủ để ngăn chặn tối đa sự lây lan của vi khuẩn.
Cách điều trị bệnh Whitmore
Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh truyền đường tĩnh mạch trong 10 đến 14 ngày, sau đó sẽ được chuyển qua kháng sinh đường uống trong 3 đến 6 tháng tuỳ vào độ phục hồi của người bệnh. Một số loại kháng sinh được bác sĩ chỉ định như:
- Kháng sinh truyền qua đường tĩnh mạch gồm có Ceftazidime hoặc Meropenem.
- Kháng sinh đường uống gồm có Trimethoprim-sulfamethoxazole hoặc Amoxicillin/clavulanic acid.
Mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị bệnh riêng tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh.
Bệnh Whitmore vi khuẩn ăn thịt người hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu bạn được trang bị đầy đủ các kiến thức về bệnh. Các thông tin của bệnh cần được chia sẻ rộng rãi, đặc biệt là với những người dân sinh sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt, mưa lũ. Bạn không nên quá hoang mang lo lắng về những lời đồn vi khuẩn ăn thịt người nhưng cũng không được chủ quan nếu có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.